Ở Việt Nam hiện nay, kết cấu chính của các công trình xây dựng cơ bản là kết cấu bê tông – cốt thép. Do đó, một trong những công việc quan trọng trong thi công là ghép cốp pha và đổ bê tông.
Cốp pha hay còn gọi là khuôn đúc bê tông, là thiết bị dùng để tạo dựng nên kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, ứng dụng trong thi công xây dựng. Tính năng, chất lượng của cốp pha ảnh hưởng lớn đến chất lượng, mỹ quan cũng như giá thành của công trình. Việc lựa chọn loại cốp pha nào phù hợp với công trình của mình đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng phải có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng. Sau đây, Đông Đô sẽ cùng các bạn tìm hiểu về vấn đề này.
Hiện nay trên thị trường có các dòng cốp pha cơ bản sau đây:
Cốp pha thép định hình
Loại cốp pha này có khung thép định hình, trên bề mặt được căng những tấm thép mỏng. Do có trọng lượng lớn nên cốp pha thép thường được gia công với diện tích nhỏ, quá trình thi công cần nhiều nhân lực lắp ghép, ráp các tấm nhỏ thành một diện tích lớn và đòi hỏi một hệ thống giàn giáo chắc chắn làm bệ đỡ.
Cũng do đặc tính về trọng lượng nên quá trình vận chuyển cốp pha thép thường rất khó khăn. Mặt khác, bề mặt của thép có khả năng bám dính bê tông, vữa nên khi tháo dỡ, vận chuyển phải tiến hành gia công, xử lý.
Còn đối với chất lượng sản phẩm, do hạn chế về độ phẳng của từng tấm nên nhìn chung mỹ quan của khối bê tông chưa đảm bảo, để tạo mặt phẳng đòi hỏi người thợ phải thêm nhiều thao tác như đục, mài hoặc trát trần trước khi matiz, sơn.
Cốp pha gỗ tự nhiên
Loại cốp pha này được ghép từ những thanh gỗ tự nhiên, xẻ theo độ dày phù hợp tạo thành mặt phẳng phục vụ việc đổ bê tông vào khối.
Cũng giống như cốp pha thép định hình, cốp pha gỗ tự nhiên thường được gia công với diện tích nhỏ; để tạo thành khuôn đổ bê tông đòi hỏi nhân lực cần phải ghép các tấm mỏng với nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng cốp pha gỗ tự nhiên cũng phát sinh thêm chi phí lớp phủ tạo bề mặt ván khuôn.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, cốp pha gỗ tự nhiên còn bị các yếu tố như nhiệt độ, thời tiết…tác động trở nên cong vênh, bề mặt dễ bị biến dạng dẫn đến bề mặt khối đổ nhìn chung không đảm bảo.
Cốp pha gỗ công nghiệp
Cũng được sản xuất từ gỗ tự nhiên nhưng cốp pha gỗ công nghiệp được xử lý, chế biến để đảm bảo tính chất cơ lý, hóa học đồng đều hơn. Tuy không yêu cầu khắt khe về độ lớn hay tuổi thọ cây gỗ, nhưng cốp pha loại này vẫn có bề mặt phẳng và chống dính tốt do được phủ lớp phim cứng và bóng.
Ưu điểm nổi bật nhất của cốp pha gỗ công nghiệp đó là do được chế tạo với kích thước lớn, độ đồng đều cao, bề mặt và các cạnh phẳng nên việc thi công, lắp ghép rất dễ dàng và nhanh chóng. Các tấm cốp pha công nghiệp có thể được liên kết với nhau dưới nhiều hình thức như đóng đinh, bắt vít, khoan… Bên cạnh đó, các lớp gỗ trong tổng thể một tấm được liên kết với nhau bằng lớp keo có khả năng bám dính tốt nên có khả năng chịu nước và độ ẩm cao… từ đó tạo ra khối bê tông có bề mặt phẳng, đạt mỹ quan.
Với những ưu điểm nổi bật như vậy, hiện nay cốp pha gỗ công nghiệp đang là lựa chọn phổ biến cho doanh nghiệp xây dựng khi thi công, đặc biệt là trong thi công các công trình có diện tích sàn lớn.
Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp
Là loại cốp pha được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, đạt tới độ chuẩn kích thước rất cao, đa dạng về hình dạng, đang được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển.
Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp nhìn chung có đặc điểm giống với cốp pha gỗ công nghiệp nhưng nó có ưu điểm hơn về trọng lượng (nhẹ hơn cốp pha gỗ công nghiệp) và có khả năng tái sử dụng nhiều lần, trong nhiều môi trường khác nhau.
Tuy nhiên, cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp hiện nay chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta do đòi hỏi dây chuyền sản xuất lớn, công nghệ tốn kém, chi phí nguyên liệu cũng như giá thành nhập khẩu cao.
Trên đây là những thống kê mang tính tương đối về các loại cốp pha đang được sử dụng phổ biến trong xây dựng cơ bản tại Việt Nam. Các doanh nghiệp xây dựng cần căn cứ vào đặc điểm công trình, nhu cầu cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp để nghiên cứu kỹ lưỡng và có tính toán hợp lý, lựa chọn được loại cốp pha phù hợp nhất cho mình.